Lượt xem: 1015

Sóc Trăng nâng chất, phát triển đàn bò từ hiệu quả các dự án

Sáng 25-6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt và bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Vương Quốc Nam – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.

    Sóc Trăng là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với sự đa dạng về vùng sinh thái từ mặn - ngọt - lợ. Bên cạnh tiềm năng phát triển đa dạng các giống cây trồng cũng như nuôi trồng thủy sản thì chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi bò, như: Bò thịt, bò sữa cũng là ngành nghề truyền thống lâu đời, mang tính đặc trưng ở các địa phương, gắn liền với đời sống sản xuất của nông dân, đặc biệt là vùng đồng bào Khmer. Con bò đã trở thành sinh kế chủ yếu góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều hộ dân khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc chăn nuôi với quy mô nhỏ, chất lượng giống chưa đảm bảo, chưa chủ động được nguồn thức ăn cho bò,… là những yếu tố kiềm hãm sự phát triển nghề nuôi trước xu thế thị trường thời hội nhập. Từ thực tế này, các chương trình, dự án đã lần lượt được triển khai; góp phần “vực dậy” ngành nghề truyền thống tại địa phương và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thịt bò thương phẩm cũng như chất lượng sữa bò trên thị trường; quan trọng là ổn định sinh kế và cải thiện giá trị lợi nhuận cho người nuôi; như: “Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025”; “Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 – 2020”.


Đồng chí Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các hộ chăn nuôi tiêu biểu. Ảnh Ngọc Thơ 

 

    Dự án phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025 được triển khai từ cuối năm 2017. Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; Ban quản lý Dự án đã triển khai thực hiện nhiều nội dung gồm: Cải tạo chất lượng giống bò thịt, hỗ trợ phát triển nguồn thức ăn thô, xanh, xây dựng chuỗi sản xuất bò thịt, xây dựng các mô hình lồng ghép như: Mô hình VietGAHP trên bò, mô hình nhân giống bò thuần Brahman, mô hình chuyển giao bò cái sinh sản ở vùng đồng bào dân tộc (tại xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành và phường 2, thị xã Ngã Năm), mô hình nuôi bò vỗ béo, mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả được triển khai, tổ chức 840 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, 144 kỹ thuật viên không ngừng được nâng cao trình độ, kỹ năng để đồng hành cùng hộ nuôi, nhiều chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển nghề nuôi... Tất cả đã góp phần phát triển nghề chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Sóc Trăng cả về số lượng và chất lượng. Từ 34.610 con vào năm 2016, đến nay tổng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh đã phát triển lên đến 44.217 con.

    Đối với Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 - 2020 triển khai từ đầu năm 2014. Dự án tập trung vào các nội dung chính như: Cải thiện và phát triển đàn bò sữa tỉnh Sóc Trăng; đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa tiên tiến; tăng cường công tác thú y, kiểm soát dịch bệnh trên đàn bò sữa tại tỉnh Sóc Trăng; công tác quản lý, đánh giá di truyền giống bò sữa theo phương pháp tiên tiến và xây dựng đàn hạt nhân mở. Qua việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; từ 4.700 con bò sữa vào năm 2013, tính đến cuối năm 2020, tổng đàn bò sữa tại tỉnh Sóc Trăng đã phát triển được 10.013 con, sản lượng sữa đạt 12.530 tấn/năm, bình quân mỗi hộ nuôi từ 5 - 6 con trở lên. Đến thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ở Sóc Trăng khá rộng, được các doanh nghiệp thu mua, chế biến cung cấp cho toàn quốc.

    Qua rồi giai đoạn thăng trầm bởi những khó khăn về nguồn vốn, nguồn thức ăn thô, xanh hay biện pháp quản lý dịch bệnh; cùng với nhiều ngành nghề chăn nuôi khác, nghề chăn nuôi bò đã có sự phát triển bền vững nhờ sự đồng hành tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước, người nuôi đến kỹ thuật viên và nhân viên thú y từng cơ sở. Điều quan trọng là nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp như: Nuôi bò với quy mô lớn, chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt và sữa để thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ,....

    Mặc dù đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng nhìn chung, các dự án phát triển chăn nuôi bò vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Công tác lai tạo, chọn giống bò thịt chưa được bà con nông dân quan tâm, chủ yếu người dân tự chọn để lại làm giống; phương thức tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm và giá cả bò thịt làm cho người chăn nuôi bị động, tiêu thụ sản phẩm còn lệ thuộc nhiều thương lái, do vậy giảm hiệu quả chăn nuôi. Tay nghề của đội ngũ kỹ thuật viên chưa đáp ứng tình hình dịch bệnh trên bò sữa; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của nông dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học...

    Tại Hội nghị, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã đã trình bày ý kiến tham luận, đề xuất một số giải pháp giải quyết tốt những khó khăn, trở ngại vừa nêu.

    Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam đánh giá cao hiệu quả mang lại từ các dự án phát triển chăn nuôi bò thịt và bò sữa trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để con bò thật sự phát huy tốt vai trò là một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tận dụng nguồn lực từ 2 dự án trên để  tiếp tục xây dựng Dự án mới giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, ưu tiên hỗ trợ chính sách đầu tư cho các hộ nuôi thuộc đối tượng hộ nghèo, bà con vùng đồng bào dân tộc, các tổ hợp tác, hợp tác xã có nguyện vọng phát triển nghề; chú trọng cải thiện chất lượng con giống, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, quan tâm, khuyến khích việc hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như nuôi bò theo hướng VietGAHP; quan tâm giải quyết vấn đề đầu ra... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam nhấn mạnh: Việc đầu tư phát triển chăn nuôi bò cần gắn liền với điều kiện thổ nhưỡng tại từng địa phương, phải quy hoạch cụ thể vùng nào thích hợp để phát triển bò thịt, vùng nào phát triển bò sữa;...

    Tại Hội nghị, có 8 hộ nuôi tiêu biểu được nhận Bằng khen của UBND tỉnh; 15 tập thể và 14 cá nhân nhận Giấy khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về những đóng góp tích cực trong suốt quá trình triển khai các dự án phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 79
  • Hôm nay: 1776
  • Trong tuần: 71,109
  • Tất cả: 11,865,136